Cuộc họp phụ huynh cuối năm của chúng tôi là 1 cuộc họp kép. Tổng kết nhận bảng điểm xong thì cô chủ nhiệm lại gọi tất cả phụ huynh đến trường để họp lại. Cô muốn bàn về đơn đăng ký dự thi, vì quá lo lắng.
Cô mọi khi hiên ngang là thế, giờ hiện nguyên hình yếu đuối. Lật đi lật lại tờ khai của từng phụ huynh, tay cầm bút viết dò từng chữ, xong xuôi tự nhiên lại bảo:
- Bây giờ thủ tục đã khai xong, nhưng các bác phụ huynh của các con sau đây xin ngồi lại. Đây là những con đang mấp mé, trường cao chưa chắc đỗ. Trường thấp thì … thư..ơng các co..n..
Cô khóc. Các phụ huynh được gọi tên bắt đầu khóc. Tôi không được gọi tên cũng khóc. Các bạn có con thi năm nay chắc hiểu cảm giác này.
Ngành giáo dục của VN nhiều khi khó hiểu. Học sinh HN thiếu trường để học. Giáo viên HN báo bảo đang thừa.
Tại sao lại phải có cuộc thi cử đấu đá này ở những đứa trẻ mới hết cấp 2, kinh khủng chả kém một cuộc thi đại học. Năm nay lượng thí sinh HN lên 120 ngàn (năm ngoái 70 ngàn), con của các bạn tôi thời gian này nhiều cháu đang học đến 2h sáng.
Nếu đã quyết tâm phổ cập giáo dục hết cấp III thì nên đưa ra 1 mức điểm sàn rồi đảm bảo cho tất cả các con có trường gần nhà để học. Cấp 3 thôi mà, nhiều em học xong sẽ ra làm thợ, sẽ phụ mẹ bán hàng. Nhiều em sẽ làm những ngành nghề chả cần Toán Văn gì cả. Tại sao lại làm cho nó căng thẳng ra như thế.
Trường chuyên tôi không nói, muôn đời nay vẫn phải thi, nhưng cuộc chạy đua vào trường cấp III “thường” như hiện tại vừa mệt mỏi vừa thiếu nhân văn. Nếu như nó khốc liệt đến mức phải đi học thêm mới vào được trường công, có nghĩa là trường “công” để phục vụ người giàu.
Hà Nội thừa giáo viên, thừa người giỏi, thừa đất, thừa tiền. Chỉ đi học cấp III thôi, làm sao mà để các con khổ thế.”